Suýt mất mạng vì tin vào “cam kết” chữa dứt điểm bệnh đái tháo đường

 

SKĐS - Tin vào quảng cáo có thể điều trị dứt điểm bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) trên mạng, nhiều bệnh nhân bỏ đơn thuốc của bác sĩ và hậu quả là phải nhập viện cấp cứu, thậm chí còn nguy hiểm tính mạng…

Nhập viện cấp cứu vì dùng thuốc theo mạng, bỏ thuốc bác sĩ

Bà N.V.N (65 tuổi, Thái Bình), mắc ĐTĐ từ nhiều năm nay và đang uống thuốc điều trị bệnh ổn định. Gần đây, nghe quảng cáo trên mạng có một loại thuốc sủi cam kết có thể điều trị dứt điểm bệnh này mà không có tác dụng phụ. Bà N. quyết định bỏ đơn bác sĩ mà mua loại thuốc này về dùng. Uống thuốc được khoảng 2 tuần, tình trạng đường huyết và huyết áp tăng cao, da niêm mạc phù nề, cơ thể mệt mỏi, chậm chạp hoạt động chậm. Khi tình trạng phù nặng dần lên, da xanh bủng, khó thở… thì người nhà đưa bà đi bệnh viện cấp cứu.

Đừng vì tin quảng cáo có thuốc sủi điều trị ĐTĐ khẩn cấp mà nguy hiểm tính mạng.

Tại đây, khi tiến hành cấp cứu, bệnh nhân được ghi nhận các chỉ số: Đường huyết 17,6mmol/L và huyết áp 190/110mmhg. Kết quả siêu âm cho thấy tràn dịch màng phổi hai bên. Khi đưa vào cấp cứu bệnh nhân đã trong tình trạng rất nặng nề, nguy hiểm tính mạng. Các bác sĩ đã phải tiến hành cấp cứu, điều trị tích cực mới giúp bệnh nhân thoát khỏi cơn nguy kịch.

Hướng dẫn bệnh nhân ĐTĐ cách chăm sóc và theo dõi bệnh tại BV Nội tiết Trung ương.

Bệnh nhân N. không phải trường hợp đầu tiên nhập viện cấp cứu do tự ý ngừng thuốc điều trị đã được bác sĩ kê đơn. TS.BS.Phạm Thúy Hường - Phó Giám đốc BV Nội tiết Trung ương cho biết, bệnh viện đã phải cấp cứu nhiều trường hợp bỏ đơn bác sĩ và chuyển hẳn sang uống thuốc sắc, viên hoàn, thuốc sủi hoặc thực phẩm chức năng… với hi vọng chữa khỏi bệnh hoàn toàn. Đặc biệt có ca bệnh nam 64 tuổi, được phát hiện mắc ĐTĐ 3 năm, tăng huyết áp 2 năm kèm theo biến chứng bệnh thận mạn giai đoạn 2. Do lo lắng về tác dụng phụ của thuốc tây y và tin tưởng vào quảng cáo có thể chữa khỏi bệnh hoàn toàn mà không cần dùng thuốc, nên bệnh nhân này đã tự ý bỏ hoàn toàn thuốc do đơn bác sĩ chỉ định và  dùng thực phẩm chức năng. Sau khoảng 20 ngày, bệnh nhân bắt đầu bị phù toàn thân, khó thở, hoa mắt chóng mặt đau tức ngực. Bệnh nhân này khi vào viện đã ở trong tình trạng suy hô hấp tràn dịch đa màng, màng tim, màng phổi, màng bụng...

Hầu hết các bệnh nhân này khi đến bệnh viện đã ở trong tình trạng biến chứng do không tuân thủ điều trị, không giữ mức đường huyết ổn định trong một thời gian… Nhiều bệnh nhân khi đưa vào cấp cứu đã trong tình trạng rất nặng nề, nguy hiểm tính mạng. Quá trình cấp cứu hồi sức và điều trị cho các ca bệnh này là rất khó khăn. TS Hường cho biết.

Mặc dù tình trạng này diễn ra từ lâu và rất nhiều cảnh báo, nhưng vẫn còn không ít bệnh nhân mắc phải. Bởi nhiều người vẫn còn tin rằng “uống thuốc đông y, thảo dược tự nhiên là lành, không độc như thuốc tây”. Hơn nữa, vẫn còn đó niềm tin của người bệnh khi được người khác mách bảo rằng “thuốc này tôi uống tốt lắm, đã khỏi bệnh”, nên mua về dùng thử…

TS.Hường cho biết: Việc “xui” nhau dùng thuốc như vậy là rất nguy hiểm. Bởi cho dù có mắc cùng một bệnh thì việc dùng thuốc cho mỗi bệnh nhân, mỗi lứa tuổi, mỗi giới tính… là không giống nhau. Chưa kể dù triệu chứng giống nhau nhưng bệnh có thể khác, hoặc bệnh ở giai đoạn khác, có kèm theo bệnh lý khác… thì việc dùng thuốc phải hoàn toàn khác nhau.

Muốn bệnh ổn định, phải tuân thủ dùng thuốc

Đối với những bệnh nhân đái tháo đường đã được chẩn đoán và điều trị nhưng tự ý bỏ thuốc thì khi vào cấp cứu thường đã rất nặng nề như suy thận, suy gan, biến chứng tim mạch dẫn tới nguy cơ tử vong cao. Trong quá trình điều trị, kíp trực thường phải tiếp cận nhanh để hỗ trợ chức năng gan, thận, bù điện giải, đặc biệt có bệnh nhân phải tiến hành lọc máu để phục hồi bởi nguy cơ biến chứng tăng đe dọa tới tính mạng.

TS.BS.Phạm Thúy Hường cho biết: Hiện nay, bệnh ĐTĐ chưa có thuốc điều trị khỏi hoàn toàn, dù là tây y hay đông y. Việc dùng thuốc điều trị ĐTĐ là phải dùng thuốc để kiểm soát đường huyết suốt đời, nhằm mục đích ổn định mức đường huyết trong giới hạn an toàn, hạn chế hoặc làm chậm tiến triển các biến chứng nguy hiểm do ĐTĐ gây ra.

Tuy nhiên, do phải uống thuốc và theo dõi đường huyết mỗi ngày, nên nhiều bệnh nhân mang tâm lý lo lắng và muốn tin vào những biện pháp khác có thể giúp mình khỏi bệnh. Kèm theo đó là sự phát triển rầm rộ quảng cáo trên các trang mạng xã hội, với những “cam kết”, hứa hẹn việc dùng các loại thuốc “gia truyền” sẽ giúp bệnh nhân chữa khỏi bệnh hoàn toàn khiến nhiều người tin tưởng và làm theo.

TS.Hường khuyên: Dù là thuốc tây y, thuốc nam hay thuốc đông y, đều có những tác dụng phụ nhất định. Để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân mình, người bệnh cần tỉnh táo và trao đổi với bác sĩ điều trị để được tư vấn và đưa ra lời khuyên phù hợp, không dùng các sản phẩm không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm định, không có cơ sở khoa học, không được Bộ Y tế cấp phép.

Ngoài việc tuân thủ dùng phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa, người bệnh ĐTĐ cần đi khám định kỳ theo lịch hẹn để được làm các xét nghiệm cần thiết nhằm theo dõi tiến trình của bệnh. Khi thấy xuất hiện những dấu hiệu bất thường cần nhanh chóng tới cơ sở y tế để kiểm tra. Trước khi uống  thêm loại thuốc nào đó để điều trị một bệnh lý khác, cần thông báo cho bác sĩ biết về các thuốc đang được dùng trong bệnh ĐTĐ để tránh tương tác bất lợi của thuốc.

Comments

Popular posts from this blog

GYNOFLOR GYNECOLOGICAL SUPPOSITORIES: USES AND USAGE DETAILS

10 WAYS TO TREAT PREMATURE EJACULATION TO HELP REGAIN MAN'S COURAGE

TAM ANH GENERAL HOSPITAL: DEPARTMENTS & TREATMENT PRICE LIST